Đức Piô XII sinh ngày 2-3-1876 tại Roma, trong một gia đình quý tộc. Ngài tên thật là Eugenio Maria Giuseppe Giovanni Pacelli, cha là Filippo Pacelli, luật sư ở Tòa thượng phẩm Rôma. Năm 1895, ngài bắt đầu học thần học tại đại học Grêgôriô, được thụ phong linh mục ngày 2-4-1899. Từ năm 1901, ngài bắt đầu làm công việc ngoại giao tại Tòa thánh, trở thành giám chức thân cận của Đức Giáo Hoàng. Năm 1929, ngài làm bộ trưởng ngoại giao và được thăng Hồng y Tổng giám mục.
Sau khi đức Piô XI từ trần, ngài là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức giáo hoàng. Thật vậy, mật tuyển viện chỉ kéo dài 24 tiếng đồng hồ và ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng với danh hiệu Piô XII.
Giáo triều của ngài tràn ngập khó khăn bởi cuộc chiến tranh thế giới lần II bùng nổ vài tháng sau khi ngài đắc cử. Cũng như đức Bênêđictô XV đã làm trong thế chiến thứ I, ngài cũng giữ lập trường trung lập, hòa bình, muốn giữ nước Ý không bị cuốn vào cuộc chiến tranh nhưng không thành công. Thông điệp đầu tiên của ngài, Summi Pontificatus ban hành ngày 20-10-1939 đã tố cáo những nguyên nhân phức tạp gây ra chiến tranh. Ngài và tòa thánh nỗ lực tìm một chính sách để tạo lập hòa bình, nhưng hầu như ngành ngoại giao Vatican hoàn toàn thất bại trong những cố gắng của mình.
Nhân dịp cử hành năm toàn xá 1950, qua Tông hiến Munificentissimus Deus ban hành ngày 1-11-1950, ngài đã công bố tín điều Đức Mẹ Hồn và Xác lên trời được cử hành trọng thể hàng năm vào ngày 8-12. Năm 1950, ngài đã tôn phong hiển thánh cho Đức Giáo Hoàng Piô X. Nhiệt thành trong các hoạt động của Giáo hội, xã hội giữa bối cảnh của thế giới đầy bạo lực và biến động phát đi từ Đệ Nhị thế chiến, ngài đã hoạt động không mệt mỏi, ngay cả khi bệnh tật và qua đời ngày 9-10-1958. Tuy được đề cử vào danh sách tôn phong chân phước, nhưng do bởi những tranh luận rằng ngài đã không hoạt động đủ, không can thiệp mạnh mẽ trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II, nhất là trong nạn diệt chủng người Do Thái, nên việc tôn phong này bị đình chỉ. Ngày nay, nhiều nghiên cứu lịch sử, nhiều chứng nhân sống đã chứng minh rằng ngài đã có rất nhiều hoạt động trực tiếp lẫn gián tiếp để can thiệp trước và trong cuộc chiến, ngài đã tìm mọi phương cách để cứu ngưới Do Thái trốn thoát khỏi sự diệt chủng của phát xít trong cuộc chiến này.