Ngày 13/02: Thánh Phaolô Lê Văn Lộc - Linh Mục (1830-1859)
Đăng Bởi : ADMin (Sáng Lập) *
Đăng Lúc : Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019
Ngày 13/02: Thánh Phaolô Lê Văn Lộc - Linh Mục (1830-1859)
Thánh Phaolô Lê Văn Lộc sinh tại làng An Nhơn, tỉnh Gia Định thuộc tổng giáo phận Sàigòn, trong một gia đình đạo hạnh.

Ngày 13/02: Thánh Phaolô Lê Văn Lộc - Linh Mục (1830-1859)

Bị mồ côi cha mẹ từ khi mới 10 tuổi, Ngài được một linh mục nhận nuôi và dạy dỗ, cho ăn học đàng hoàng. Nhận thấy Ngài là một học sinh thông minh, lại có lòng đạo đức, vị linh mục dưỡng phụ này gửi Ngài vào Chủng viện Cái Nhum một năm, rồi sau đó may mắn lại được Đức Cha Lefèbre gửi Ngài sang du học ở Chủng viện Pénăng Mã Lai. Tại đây Ngài học hành kết quả rất tốt, chứng tỏ sự thông minh và hiếu học của Ngài. Ngài được mọi người từ Bê trên đến Ban giáo sư cũng như các bạn đồng viện thương mến. Bề trên thường khen ngợi đời sống giản dị, thân thiện, và bác ái của Ngài đối với mọi người.

Sau khi hoàn tất chương trình học vấn tại Đại chủng viện Pénăng Mã Lai năm 1850, Ngài theo lệnh Bề trên trở về quê hương và được sai đi giảng đạo tại nhều nơi khác nhau trước khi lần lượt lãnh nhận các chức Thánh. Trong suốt thời gian đi làm việc truyền giáo và phục vụ tại các giáo xứ, Ngài tỏ ra là một chiến sĩ truyền giáo nhiệt thành. Sống đời đạo đức rất gương mẫu, tinh thần bén nhậy, Đức Giám mục nhận thấy Ngài rất xứng đáng trở thành linh mục, nên Đức Giám mục đã quyết định truyền chức linh mục cho Ngài ngày 7 tháng 2 năm 1857.

Đức Giám mục biết Ngài là một linh mục đạo đức, học rộng và có kiến thức sâu rộng nên Đức Giám mục đã chỉ định ngài về lãnh nhận chức vụ Bề trên chủng viện Thị Nghè. Khi được nhận được lệnh của Đức Cha, Ngài băn khoăn lo lắng và cầu nguyện rồi khiêm tốn trình bày với Đức Cha về sự lo lắng trước chức vụ lớn lao này. Ngài lo sợ không chu toàn được trách vụ vì tự nhận mình không xứng đáng. Nhưng Đức Cha khích lệ và tỏ ra tín nhiệm Ngài, xin Ngài cứ cậy trông vào ơn Chúa và lãnh nhận công việc Đức Cha đã trao phó.

Thấy Đức Cha tỏ lòng tin tưởng và chúc lành cho thì Ngài vững tâm và xin lãnh nhận sứ vụ Đức Cha đã trao phó. Khi nhận chức vụ Bề trên Chủng viện thì cũng chính là thời điểm vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo một cách rất gay gắt Theo sắc lệnh của vua thì phải tích cực tiêu diệt đạo Gia-Tô, bắt giam tù tất cả các giáo sĩ người ngoại quốc cũng như người bản xứ, ai bỏ đạo thì tha, không bỏ đạo thì chém đầu thả trôi sông hết! Trước tình thế khó khăn đó, cha Phaolô Lộc vẫn hăng say lo việc mở mang nước Chúa. Ngoài công việc của một bề trên chủng viện, cha còn lăn mình vào công việc truyền giáo, thi hành những công tác bác ái, xã hội và chỉ trong khoảng một năm trời, cha đã thu hút được gần 200 tân tòng, hăng say học hỏi giáo lý do chính cha giảng dậy.

Cha Phaolô Lê Văn Lộc thi hành chức vụ bề trên chủng viện chưa được bao lâu thì tình thế mỗi ngày càng trở nên khó khăn thêm. Tháng 7 năm 1858 mười bốn chiến thuyền Pháp kéo nhau vào đổ bộ tại Cửa Hàn khiêu khích nước ta. Đô đốc Rigault de Genouilly mơ tuởng rằng người Công giáo sẽ yểm trợ. Nhưng trên thực tế, rất đông thanh niên Công giáo đã tình nguyện gia nhập quân đội triều đình để chống Pháp. Nhiều người Công giáo đã ý thức rằng: dứt khoát không phò Tây, nhưng cũng cương quyết không bỏ Chúa, bỏ đạo Thánh Chúa. Thế mà vì một số cận thần, sẵn lòng ác cảm với đạo Công giáo, vì lề luật đạo Công giáo đòi hỏi khó, như “nhất phụ nhất phu một vợ một chồng” trong khi đó các vua quan khi ấy có ông có cả hàng tá thê thiếp v.v. Vì sẵn lòng ghen ghét nên các cận thần xúi dục vua phải tiêu diệt đạo Gia-Tô vì là đạo của Tây. Người theo đạo Tây chống lại vua v.v... Vì lẽ đó vua lại càng mạnh tay đàn áp và ra sức tiêu diệt đạo. Vua ra những sắc dụ vô cùng tàn ác để tiêu diệt đạo.Trước tình thế cực kỳ khó khăn này, cha bề trên Phaolô Lê Văn Lộc đã bàn tính với Đức Giám mục để tạm thời đóng cửa Chủng viện và cho giải tán các chủng sinh, để trở về sinh sống với gia đình. Đức Giám mục thấy những nguy hiểm lớn lao có thể đưa tới nên Ngài cũng đồng ý cho giải tán các chủng sinh và đóng cửa Chủng viện. Riêng cha Phaolô Lê Văn Lộc cũng khôn ngoan tìm đường trú ẩn. Ngài lẩn trốn tại vùng ngoại ô Sàigòn một thời gian để theo dõi và giúp đỡ một số chủng sinh trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn vì bị truy lùng dữ dội quá nên Ngài cũng phải tìm đường chạy trốn.

Một hôm đang gặp gỡ một vài chủng sinh trong một gia đình ở ngoại ô thành phố thì quân lính từ đâu kéo tới. Cha vội chạy trốn. Thấy tình thế quá khó khăn và lệnh truy nã các đạo trưởng và người theo Đạo rất ác nghiệt, vì thế vào một buổi tối trời của tháng 12 năm 1858, cha tới tạm trú tại nhà thầy giáo Ngôn là cựu chủng sinh thì bị một phụ nữ ngoại giáo gặp nhận biết cha. Chị cấp tốc đi tố cáo với quan để lấy tiền thưởng. Quan liền cho lính tới vây bắt được Cha. Khi bị bắt, quan thấy cha còn trẻ trung hiền lành, không muốn bắt, nên nói:

- “Nếu chối đạo thì ta sẽ tha. Anh còn trẻ qquá, nếu bỏ đạo thì ta sẽ giúp sau này cũng làm quan như ta”

Cha cười và nói:

- “Quan bảo tôi chối đạo à? Tôi khuyên bảo người ta theo đạo mà bây giờ quan lại dụ tôi bỏ đạo sao được?”

Quan khuyên dụ tiếp:

- “Đó là lệnh của vua mà! Ta thấy anh còn quá trẻ, lại hiền lành, có học hành, nhiều kiến thức nên ta thương. Giết anh uổng phí quá! Ta có con gái, ta sẽ gả cho anh. Nếu anh bỏ đạo, nghe ta”.

Cha mỉn cười, thưa lại:

- “Xin cám ơn quan lớn được làm quan thì cũng quí lắm. Nhưng tôi chỉ xin được làm con của Thiên Chúa mà thôi. Tôi không thể bỏ Chúa tôi được. Nếu phải chết vì Chúa tôi thì tôi rất sẵn sàng chết, bất cứ dưới hình thức nào”.

Quan tỏ vẻ thân mật nói tiếp:

- “Anh nói thế, anh có điên không? Tại sao anh lại từ chối những hứa hẹn ta sẽ ban cho anh. Được làm quan, lại được làm con rể của ta mà anh chê bỏ ư?”

Cha lắc đầu:

- “Bẩm quan, tôi không điên đâu. Tôi rất khôn ngoan và sáng suốt khi quyết định theo Chúa và đi rao giảng cho nhiều người biết Chúa. Nay nếu được chết vì Chúa thì tôi vui mừng lắm!”.

Thấy Ngài cứng lòng nên quan ra lệnh bắt, rồi tống vào ngục. Trong nhà tù, dù bị xiềng xích, đánh đập tra khảo rất tàn nhẫn, Ngài vẫn tỏ ra không sợ hãi, vẫn tận tình giúp đỡ các bạn tù, vẫn nêu gương sáng Đức Tin của vị Chủ Chăn, là linh mục của Chúa. Ngài thường tiếp xúc với các bạn tù đồng đạo để khuyên bảo, lên tinh thần và khuyến khích họ phải kiên trì, can đảm và cầu nguyện, Chúa sẽ ban ơn tiếp sức cho, đừng sợ hãi hình khổ. Thân xác không cao trọng bằng linh hồn mình. Được chết vì Chúa là một ơn trọng đại, hãy luôn sẵn sàng đón nhận sự chết vì đạo. Những người bạn tù rất trọng kính Ngài và tinh thần được Ngài củng cố cho thêm vững mạnh.

Một hôm các quan đòi đưa Ngài ra công đường để khuyên dụ Ngài một lần nữa: Quan hỏi Ngài:

- “Ta đã cho anh suy nghĩ ít ngày rồi. Nay ta muốn hỏi anh, anh có muốn tuân lệnh vua mà bỏ đạo Gia Tô thì vua sẽ trọng thưởng và ban cho anh nhiều bổng lộc. Anh nghĩ thế nào?”.

Cha vui vẻ trả lời:

- “Tôi hết lòng cám ơn các quan đã thương giúp tôi. Còn việc bỏ đạo thì một lần nữa tôi xin khẳng định với các quan rằng, tôi không thể bỏ đạo vì bất cứ lý do gì. Bổng lộc vua ban tôi xin cám ơn. Những hứa hẹn các quan dành cho tôi, tôi xin cám ơn.Chỉ có một điều dứt khoát là tôi không thể bỏ đạo, không thể bước qua Thánh Giá là hình ảnh của Chúa tôi đã chết vì tôi”.

Sau thời gian giam cầm, đánh đập, xiềng xích, tra tấn dưới mọi hình thức tàn ác, cha vẫn một mực hiên ngang tuyên xưng đức tin, sẵn sàng can đảm lãnh nhận án tử hình vì đạo Chúa. Trước sự cứng lòng và kiên trì này, các quan tức bực vì không thuyết phục được cha, nên đã lên án trảm quyết và sau đó án đã được triều đình chuẩn y mau mắn. Bản án kết thúc vội vã 29 tuổi đời, hai năm làm linh mục phục vụ Chúa của một chứng tá đức tin kiên cường, can đảm coi thường mạng sống, đã lấy chính máu đào của mình để dâng hiến Chúa, Đấng mà Ngài đã tin và vững lòng tôn thờ cho tới hơi thở cuối cùng.

Được vua Tự Đức châu phê, ngày 13 tháng 2 năm1859 các quan đã ra lệnh xử trảm Ngài. Ngài bị điệu đi giữa hai đội quân hùng hậu tiến ra pháp trường là Trường Thi, nay là góc đường Hai Bà Trưng-Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày đó, Ngài đã vui mừng được phúc tử đạo như lòng Ngài hằng ước mong và sung sướng bay về Trời lãnh nhận triều thiên tử đạo gia nhập hàng ngũ các thánh của Chúa trên Nước Trời.

Vì tình thế lúc đó rất khó khăn, đạo Chúa bị cấm rất ngặt nên giáo dân phải chờ đợi tới nửa đêm mới lén lút xin được xác đem về an táng tại Chợ Quán, sau lại cải táng đưa về dòng Saint Paul Sàigòn. Hiện nay đặt tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909 Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Chân Phước và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh.

Lạy cha thánh Phaolô Lê Văn Lộc là chứng nhân kiên cường của Chúa, xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen

Cha Thánh Phaolô Lê Văn Lộc

Sau ngày bi chém hai tuần

Lơ-Phe (Lefèbre) Giám mục thuật phần đời cha

Cuối cùng Ngài kết thúc là:

Đọc lên cảm động mắt nhòa lệ rơi

Cha ơi! Cha ở đâu rồi ?

Mình tôi hiện sống giữa nơi u sầu

Cha và tôi sống với nhau

Mắt tôi rảo ngó trước sau thấy gì ?

Chỗ cha hiện diện còn ghi

Nghẹn ngào, nức nở thầm thì gọi cha

Này đây quần áo cùng là

Vớ giầy, mọi thứ bày ra trong phòng

Làm sao quên nổi, nhớ mong

Quặn đau bởi nghĩa thắm nồng từ lâu

Biết bao thương cảm u sầu

Chẳng sao kiềm nổi thương đau trong lòng

Nhưng suy về Chúa chí công

Hỏi mình sao lại khóc ròng tiếc thương

Khổ đau bởi nỗi đoạn trường

Cha cương quyết chịu là gương soi đời

Giờ đây cha đã thảnh thơi

An vui hạnh phúc hơn noi đây nhiều

Hợp cùng thần thánh thiên triều

Xin cha phù giúp tôi theo đến cùng

Để sau được hưởng phúc chung

Cùng nhau bên Chúa cửu trùng toàn năng

Đức cha nhân chứng thuật rằng:

Xưa Cha sinh quán tại làng An Nhơn

Tỉnh là Gia Định Nam phần

Sinh năm ba chục, sử trần còn ghi

Gia đình Công giáo, cha thì

Làm trùm Họ Đạo giữa kỳ khó khăn (Trương Hoàng)

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
    Copyright © 2018 Tình Yêu Giêsu
    Trang Web Được Thiết Kế Bởi Vương Thành Hiệp