Ngày 27/4: Thánh Lô-ren-sô Nguyễn Văn Hưởng - Linh mục (1802-1850)
Đăng Bởi : ADMin (Sáng Lập) *
Đăng Lúc : Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019
Ngày 27/4: Thánh Lô-ren-sô Nguyễn Văn Hưởng - Linh mục (1802-1850)
Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 tại xã Tụy Hiền, xứ Kẻ Sải, tổng Trinh Tiết, tỉnh Hà Nội. Cha là người con thứ bốn trong một gia đình rất nghèo.

Hồi còn nhỏ đã bị mồ côi cha mẹ nên phải ở với ông chú ngoại giáo tên là Thang. Ông chú giầu có lại không có con nên ông rất thương mến cháu. Ông muốn vun đắp và sau này lập gia đình cho cháu. Nhưng người cháu mồ côi dễ thương này không cần giầu sang của cải, một lòng quyết chí dâng mình cho Chúa mà thôi. Vì thế cậu đã đến xin cha Duyệt là cha xứ Sơn Miêng giúp đỡ. Cha xứ nhận và cho vào ở trong nhà xứ, nuôi ăn học trong thời gian ba năm. Sau đó, cha gửi cậu Hưởng vào chủng viện Vĩnh Trị học La tinh chuẩn bị học triết và thần học.

Nhưng thời vận không thuận lợi. Năm 1834, vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo rất nghiêm ngặt nên chủng viện Vĩnh Trị phải đóng cửa Thầy Hưởng phải trở về quê làm thuốc bán rong và ở với ông chú ngoại giáo. Thấy hoàn cảnh tu trì học hành của cháu bị giang dở nên ông chú lại thúc ép cháu lập gia đình và hứa sẽ cho tất cả của cải của chú. Ông tổng Phan người có họ hàng với ông chú cũng hứa sẽ làm mai cho một thiếu nữ trong xã và sẽ cho làm việc với làng xã. Nhưng thầy Hưởng vẫn cương quyết theo đuổi lý tưởng tu trì, và tiếp tục làm thuốc bán rong chờ đợi thời cơ có thể trở lại học hành tiến chức..

Khi cuộc bắt đạo đã tạm lắng dịu, Đức Cha mở chủng viện lại thì thầy Hưởng lại trở về tiếp tục việc học cho tới khi mãn trường. Sau đó, thầy được chính thức gia nhập bậc thầy giảng rồi bề trên sai thầy đi giúp cha Tuấn ở Kim Sơn xứ Bạch Bát, rồi trở về giúp cha Duyệt tại Bạch Liên. Sau tám năm giúp xứ, thầy Hưởng được gọi về lãnh chức linh mục. Từ đây, thầy trở nên một linh mục nhiệt thành, đạo đức, được sai đi làm cha phó xứ Giang Sơn, rồi làm cha xứ Lạc Thổ, Yên Lộc, Bạch Bát. Ở đâu cha cũng tỏ ra là một linh mục đạo đức, rất nhiệt tâm giảng dạy giáo lý, săn sóc việc cứu giúp các linh hồn.

Mùa Vọng tháng 11 năm 1855, một hôm cha đi thăm bệnh nhân thì bị bắt trên đường đi. Theo lời một giáo dân đón cha đi kể lại rằng, khi ấy cha đang ở trên thuyền của ông đi ngang làng Vân Ru, Trà Tu thì gặp quan phó tổng Tùy đang đốc công xây cống. Mấy gia nhân thấy thuyền có mui thì nghi là thuyền chở cố đạo nên phó tổng Tùy liền sai quân với gậy gộc rượt theo thuyền của ông ta. Thấy vậy, cha liền nói với người lái thuyền chèo qua bờ bên kia sông để cha xuống, tự nộp mình, không muốn làm phiền lụy tới người chủ thuyền.

Bị bắt, cha bĩnh tĩnh, không sợ hãi vì cha nhận đây là thánh ý Chúa muốn cha hy sinh để làm chứng cho Chúa. Cha vui mừng vì sẽ được thông phần đau khổ vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, cha sẵn sàng chịu chết vì đạo Chúa.

Sau ba ngày bị giam ở huyện Yên Mô, bị tra vấn và mang xiềng xích như một tù nhân, cha được giải về tỉnh Ninh Bình. Quan đầu tỉnh gặp cha, thấy cha hiền lành dễ thương nên có cảm tình với cha, không muốn làm khổ cha. Quan khuyên dụ và hứa với cha:

- Tướng mạo ông hiền lành, quả là một nhà tu hành. Vậy nếu ông đạp lên Thập Giá, tôi sẽ cho ông tới trụ trì yên ổn ở chùa Non Nước.

Cha nhã nhặn đáp lại:

- Tôi không biết gì về Thần Phật, làm sao ở chùa được?

- Ông không biết gì về Thần Phật. Vậy đạo của ông thờ gì?

- Đạo của tôi thờ kính một Thiên Chúa duy nhất là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, là Đấng thông biết mọi sự. Ngài dạy chúng ta ăn ngày ở lành, tránh xa tội ác, phải yêu thương mọi người, kể cả những người ghen ghét hoặc làm khổ mình nữa.

- Vậy ông đọc cho ta nghe kinh của đạo Gia Tô xem sao.

Quan yêu cầu cha đọc kinh thì cha đọc 10 Điều Răn. Quan thấy hay và khen là tốt. Quan lại càng tỏ ra quí mến và cố gắng thuyết phục cha bỏ đạo, bước qua Thánh Giá. Quan lại hỏi cha:

- Tôi nghe đồn rằng các ông khoét mắt bệnh nhân, và không thờ kính tổ tiên. Có thật không? Tại sao lại thế?

Cha cười và ôn tồn trả lời quan:

- Xin quan lớn đừng nghe những lời đồn thổi sai lầm do một ít người ghen ghét rồi đồn dại những tin thất thiệt đó. Sự thật không phải vậy. Khi thăm viếng bệnh nhân lúc gần chết, chúng tôi chỉ xức dầu trên mắt, mũi, tai, miệng và tay chân để xin Chúa tha cho các tội mà bệnh nhân đã dùng chúng để phạm tội. Còn với tổ tiên, chúng tôi vẫn kính nhớ và hằng cầu nguyện bằng các việc lành cho các ngài. Chỉ có một điều là chúng tôi không cúng hoa quả, xôi oản, vì biết chắc rằng tổ tiên đã chết rồi không thể trở về ăn uống được các thứ đó nữa. Vì vậy chúng tôi không dâng cúng các thứ đó mà thôi.

Nghe cha giải thích xong, quan gật đầu tỏ ý bằng lòng. Rồi ra hiệu cho lính đưa cha trở về nhà giam. Vì cha được quan trọng nể nên cũng để cho cha được phép tiếp xúc với những người tới thăm nuôi cha. Nhờ sự dễ dãi này mà nhiều giáo hữu được vào thăm viếng an ủi cha. Có nhiều người tới thăm thì thương khóc, thấy cha phải đeo gông và mang xiềng xích; Nhưng cha lại vui vẻ nói:

- Chúng con phải vui mừng cho cha, vì cha được chịu khổ vì Chúa Giêsu, Đấng đã chịu khổ nhục và chết vì chúng ta.

Bà Maria nức nở nói :

- Chúng con thương cha lắm. Nhưng khi về với Chúa, xin cha nhớ đến chúng con, Xin cha cầu cùng Chúa cho chúng con được giữ vững đức tin, để sau này chúng con được theo cha.

Nhưng sau rất nhiều lần gặp gỡ, khuyên dụ nhưng không đem tới kết quả như mong muốn, các quan trong tỉnh đều chán nản và bực tức với cha. Từ lòng yêu thương trọng nể đổi ra lòng bực bội, tức giận, bây giờ các quan tỉnh Ninh Bình cho lệnh đánh đập, kèm kẹp, hành hạ thân xác, đeo gông cùm và xiềng xích rất nặng, hy vọng vì khổ sở đau đớn quá thì cha sẽ thay lòng đổi dạ mà bỏ đạo.

Đã có lần các quan nhận mười nén bạc của giáo hữu để làm án nhẹ cho cha. Họ đề nghị cha khai mình chỉ là tín hữu, nhưng cha nhất định không chịu khai gian như thế, vì cha là linh mục. Biết được việc làm của một số tín hữu như thế, cha đã biên một bức thư cho Đức Cha Retord Liêu như sau:

“Xin Đức cha đừng cho tín hữu chạy tiền chuộc con làm chi. Con sẵn lòng hy sinh để làm chứng đạo Chúa Giêsu là đạo thật. Xin Đức Cha cầu nguyện cho con được vững lòng cho đến chết”.

Nhưng sau một ít ngày đã làm đủ mọi cách mà không thuyết phục được người chiến sĩ kiên trung của Chúa, các quan đã đồng thuận làm án xin vua xử trảm. Cha biết các quan đã đệ trình án lệnh lên vua Tự Đức thì cha hớn hở vui mừng chờ đợi ngày giờ được hạnh phúc lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Ngày 25 tháng 4 án lệnh triều đình về tới Ninh Bình. Bản án viết: “Nguyễn Văn Hưởng 54 tuổi, người Hà Nội, không rõ quê quán, đã theo tả đạo Giêsu và xưng mình là đạo trưởng. Đã bị tra khảo nhiều lần nhưng vẫn cố chấp không chịu bỏ đạo và bước qua Thập Giá vì thế phải trảm quyết ngay tức khắc”.

Ông đội canh tù báo cho cha và những người thăm nuôi cha biết án lệnh đã về để chuẩn bị ngày ra pháp trường. Đúng ngày bị xử trảm, cha Khoan vào ngục thăm và trao Minh Thánh Chúa cho cha Nguyễn Văn Hưởng lần cuối cùng. Đến trưa, quan giám sát dẫn 50 người lính tới đưa cha đi xử. Vì cha quá yếu nên quan cho phép giáo dân thuê người khiêng võng cha tới cánh đồng gần núi Cánh Riêu. Đến nơi xử, ông Phu người lo công tác dọn dẹp nhà thờ Bạch Bát đã trải sẵn một chiếc chiếu, cha quì trên chiếc chiếu cầu nguyện lần cuối rồi chiêng trống vang lên, lý hình chém đứt đầu cha. Dân chúng lương giáo đứng từ xa chứng kiến cảnh hãi hùng thì kêu rú lên khi thấy đầu cha rụng xuống đất. Có tiếng la lớn:

- Giêsu Maria, lạy Chúa tôi! Đầu cha rụng xuống đất rồi!

- Trời đất ơi, sao mà ghê sợ quá vậy! Tàn ác quá !

Người ta xô nhau xông vào thấm máu cha, chẳng còn phân biệt ai là người có đạo hay không có đạo nữa. Ai ai cũng tin rằng thấm được máu vị tử đạo để đem về chữa đủ các thứ bệnh sau này. Một số người tới năn nỉ xin xác Ngài đưa về an táng tại Vĩnh Trị. Thế là đầu cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng đã rơi xuống đất mà hồn đã bay bổng về với Thiên Chúa, Đấng cha đã tôn thờ suốt cả cuộc đời trong 54 năm dài tại trần thế.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
    Copyright © 2018 Tình Yêu Giêsu
    Trang Web Được Thiết Kế Bởi Vương Thành Hiệp