Ngày 06/4: Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh - Linh mục (1793-1857)
Đăng Bởi : ADMin (Sáng Lập) *
Đăng Lúc : Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019
Ngày 06/4: Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh - Linh mục (1793-1857)
Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh tại xã Trịnh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, là người con thứ ba của một gia đình Công giáo đạo hạnh.

Lúc 12 tuổi Ngài đã từ giã cha mẹ lên đường dâng mình cho Chúa, vào ở với cha Duệ xứ Bạch Bát. Sau 3 năm tìm hiểu ý nguyện và lòng đạo đức vững chắc, Cha Duệ gửi Ngài vào Chủng viện Vĩnh Trị. Trong chủng viện, Ngài là một chủng sinh gương mẫu về đời sống đạo đức, hãm mình, ăn chay các ngày thứ sáu, đánh tội và nằm đất. Sau đó Ngài vào ẩn tu trong rừng Bạch Bát, thuộc tỉnh Thanh Hoá, đêm ngày cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Nhưng một năm sau, Đức Cha Longger Gia nhắn tin buộc thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh phải trở về Đại Chủng Viện để tiếp tục học thần học, lãnh các chức nhỏ đồng thời dạy học.

Đức Cha Havard Du lên kế vị Đức Cha Longger Gia, Ngài đã cử thầy Lê Bảo Tịnh đi Macao hai lần để nhận những tài khoản được trợ cấp cho địa phận. Hai chuyến đi trong vòng hai năm, cũng chính là hai lần thoát chết vì bão tố và thoát khỏi những tay cướp biển ghê gớm.

Năm 1837, Ngài được Bề trên sai đi truyền giáo tại Ai Lao. Sau một năm hoạt động truyền giáo, Ngài thấy công việc tiến triển quá tốt nên trở về địa phận xin Đức Cha cho thêm nhân sự. Thế nhưng tình thế tại quê nhà trong lúc ấy đang trở nên vô cùng khó khăn! Thi hành lệnh của vua, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh của Nam Định đã ra lệnh truy lùng các linh mục một cách vô cùng gắt gao. Cha Đỗ Mai Năm, Ông Trùm Đích, ông Lý Mỹ đã bị bắt và tử đạo, Chủng viện Vĩnh Trị phải đóng cửa. Đức Cha Havard Du phải ẩn lánh và chết trong lúc ẩn lánh ngày 5 tháng 7 năm 1838. Sau đó Đức Cha Dumoulin Borie Cao được chỉ định làm Giám mục thay Đức Cha Havard Du cũng bị bắt và tử đạo trong lúc chưa kịp lãnh nhận nhiệm vụ. Trong lúc đó thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh được Bề trên sai đi giảng dạy Giáo lý cho tân tòng tại làng Thạch Tổ xứ Bích Trì, tỉnh Hà Nam. Đức Giám mục biết thầy không những có một trí óc thông minh, kiến thức sâu rộng với một thân hình dong dỏng cao gầy, dáng vẻ đạo mạo, thư sinh. mà tâm hồn thầy còn luôn ôm ấp một lý tưởng đem Tin Mừng Chúa Kitô rao truyền cho khắp miền đất nước thân yêu, nên Đức Giám mục rất quí trọng và tin tưởng lòng nhiệt thành của thầy. Những ai chỉ gặp thầy một lần cũng đủ biết thầy là một người có lòng nhân ái, khôn ngoan, lịch thiệp và thiết tha với quê hương nước Việt. Chính vì những đức tính tốt lành, được mọi người yêu kính mà lý trưởng làng này sinh lòng ghen tị muốn mưu hại thầy. Ông đặc biệt theo dõi những công việc của thầy. Ông biết rõ thầy Lê Bảo Tịnh đi truyền đạo và thu phục được nhiều người theo đạo nên ông quyết định bắt thầy và nộp cho quan tổng đốc tỉnh. Khi thầy bị bắt giáo dân đem tiền nộp quan xin chuộc thầy nhưng thầy nói:

- “Nếu chỉ vì tiền mà tha thì tôi không muốn”.

Thế là thầy bị giải về nộp cho quan Tuần Phủ Hà Nam rồi chuyển về giam giữ tại Hà Nội.

Sau 7 năm bị giam giữ tại Hà Nội rồi bị đầy đi Phú Yên mãi tới khi vua Thiệu Trị băng hà ngày 4 tháng 11 năm 1847, vua Tự Đức lên ngôi. Vua ban ân xá và phóng thích các tù nhân. Nhờ vậy thầy Lê Bảo Tịnh được tha và trở về giáo phận trong sự vui mừng của nhiều người. Trong dịp này, Đức Giám mục giáo phận cũng rất vui mừng và quyết định phong chức linh mục cho thầy lúc thầy đã 56 tuổi. Sau khi lãnh chức linh mục được một năm thì cha được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc kiêm giáo sư Chủng viện Vĩnh Trị. Cha đã viết nhiều tác phẩm đạo đức như: Phúc Âm Dẫn Giải, Giáo Lý Đại Cương, Lục Vấn Lương Tâm, Những Lời Khuyên Thực Hành Dọn Mình Chết Lành v.v.

Trong thời gian làm bề trên chủng viện, cha thường khuyên các chủng sinh giữ gìn kỷ luật, vì kỷ luật sẽ giúp ta thể hiện lòng yêu mến Chúa, nâng đỡ đời sống dâng hiến. Ngoài việc tuân giữ kỷ luật, cha còn nhấn mạnh tới sự cầu nguyện. Cha nói, khi rao giảng Lời Chúa mà không có cầu nguyện thì lời giảng sẽ không có sức thuyết phục, lời giảng không có hồn thì sẽ bay đi mau chóng. Cha rất yêu mến Thánh Giá và Thánh Thể. Bất cứ nơi nào cha ở hay cha thường lui tới đều có bóng dáng Thánh Thể và Thánh Giá. Mỗi khi dâng lễ, cha dọn mình sốt sắng và dâng lễ một cách trang nghiêm, siêu thoát . Vì yêu mến Thánh Thể và Thánh Giá nên cha thường thăm viếng bệnh nhân, ban các bí tích, giúp đỡ người nghèo, nhất là các bệnh nhân phong cùi. Nhiều người đã nói, cha Lê Bảo Tịnh đã tử đạo từ trước ngay trong cuộc sống rất nghiệm ngặt của cha rồi.

Lịch sử Truyền Giáo của các cha Hội Thừa Sai Paris còn ghi lại rằng năm 1857, cha Kỳ và cha Hảo về tổ chức lễ tại nhà thờ Phát Diệm rất long trọng, có rước kiệu, thu hút rất đông giáo dân từ nhiều nơi đổ về. Lòng người nao nức, vui mừng. Nhưng đây cũng là dịp làm cho nhiều người đã sẵn lòng ác cảm với đạo Chúa thêm lòng ghen ghét thêm. Nhân dịp này họ vu khống và đi tố cáo với quan tổng đốc Ninh Bình rằng các cụ đạo “mở hội khao quân” âm mưu chống triều đình. Quan tổng đốc liền cho quân về Phát Diệm bao vây bắt các cha. Nhưng cha Kỳ và cha Hảo đã nhanh chân chạy thoát về Vĩnh Trị. Sau đó họ gửi giấy về Nam Định, yêu cầu quan Tổng đốc Nam Định là Nguyễn Đình Hưng truy nã và bắt hai cha Kỳ và Hảo.

Ngày 27 tháng 2 năm 1857 quan phủ Nghĩa Hưng đích thân chỉ huy một lực lượng hùng hậu kéo về bao vây làng Vĩnh Trị. Quan Tổng đốc vốn có lòng quí mến cha Lê Bảo Tịnh nên đã cho người mật báo cho cha Lê Bảo Tịnh, nhưng vì bất ưng bị bệnh nặng, người đó không thể đi thông báo được cho nên chủng viện Vĩnh Trị khi ấy vẫn sinh hoạt bình thường cho tới khi quan quân đã về bao vây kín khắp làng. Vì quá cấp bách, Đức cha Liêu và các cha khác bàn định đồng ý chạy trốn, chỉ để một mình cha Lê Bảo Tịnh ở lại để đối phó. Khi quan phủ Nghĩa Hưng và ông Phán Trứ tới, cha Lê Bảo Tịnh vui vẻ mời các vị đó vào phòng khách, tiếp nước trà rồi trình bày giấy phép của quan Tổng Đốc. Nhưng sau khi khám xét, quan phủ Nghĩa Hưng thấy nhà trường có nhiều đồ quốc cấm, như sách tiếng la tinh, áo lễ, đồ thờ phượng từ nước ngoài gửi tới, nên quan làm biên bản rồi bắt luôn cha Lê Bảo Tịnh về tỉnh để điều tra thêm.

Trước khi đi, cha Lê Bảo Tịnh vào Nhà Nguyện cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ rồi từ giã các chủng sinh rồi theo quan phủ và đoàn quân về phủ. Được tin cha Tịnh bị bắt, Đức Cha Liêu đã tìm mọi cách để chuộc cha Lê Bảo Tịnh trước khi quan phủ giải cha về tỉnh. Nhưng cuộc dàn xếp không thành.

Thế là cha Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt và đây là lần thứ hai cha bị bắt dưới triều vua Tự Đức. Sau nhiều lần tra hỏi, quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng vẫn nhớ ân tình với cha Lê Bảo Tịnh vì trước kia cha đã chữa bệnh đau mắt cho quan. Trước hoàn cảnh khó xử, một đàng là lệnh của vua, một đàng là tình nghĩa, là ân nhân của mình, quan tổng đốc Nguyễn Đình Hưng thật khó xử. Quan liền ân cần khuyên dụ cha bước qua Thánh Giá để quan tha cho cha. Nhưng cha cương quyết từ chối, không chịu bỏ đạo. Trong thời gian giam giữ, nhiều lần quan Nguyễn Đình Hưng đã gặp gỡ, truyện trò với cha, lấy tình bạn khuyên dụ cha bước qua Thánh Giá để có đủ lý do quan tha cho cha về. Nhưng là một linh mục, là chứng nhân của Thiên Chúa, cha cũng đã rất lịch sự và thành thật trình bày với quan tổng đốc rằng dù có phải chết thì cha vẫn sẵn lòng chấp nhận chết chứ không bao giờ cha phản bội Thiên Chúa. Cha cũng nhân dịp này cắt nghĩa cho quan tổng đốc về ý nghĩa cuộc sống ở đời này và sự sống đời sau, Thiên Đàng và Hoả ngục. Cha nhấn mạnh với quan rằng đạo Gia Tô thờ kính Thiên Chúa, là đạo chân thật, không có gì chống đối vua chúa và triều đình cả. Vua chúa hiểu sai lầm về đạo rồi bị các cận thần có ác ý xúi bẩy mà cấm đạo và giết hại những người theo đạo mà thôi. Quan tổng đốc tỉnh Nam Định nghe cha nói thì cám ơn cha, nhưng lệnh vua thì quan phải thi hành. Xin cha thông cảm.

Lần cuối cùng quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng muốn cứu vị ân nhân của mình bằng cách chính tay ông viết bản án và thêm

- “Xét rằng Lê Bảo Tịnh đã già ngoài 60 tuổi. Chiếu theo luật nước, không nên xử tử những người già nua tuổi tác như thế. Xin cứ giam ở Nam Định và cứ giữ tại đó cho tiện”.

Trong thời gian bản án gửi về kinh thì cha Lê Bảo Tịnh được giam ở Trại Vệ, nơi đây có nhiều người Công giáo bị bắt và giam giữ ở đây. Được cơ hội tốt, cha khuyên bảo, củng cố đức tin mạnh mẽ cho anh em. Nhờ lời khuyên bảo và lòng sốt sắng của cha mà anh em được vững mạnh hơn, đức tin được thêm vững chắc, nhất quyết một lòng tin theo Chúa. Phần cha, cha cũng dành nhiều thời giờ để cầu nguyện sốt sắng, dọn mình đổ máu vì lòng yêu mến Chúa. Trong những ngày này cha cũng viết một tâm thư rất dài và rất cảm động gửi về cho các chủng sinh của cha tại chủng viện Vĩnh Trị.

Sau khi đọc bản án do quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng đệ trình, ngày 5 tháng 4 năm 1857 vua cầm bút sửa lại, cải án giam bằng án tử hình rồi gửi trả lại để quan tổng đốc tỉnh Nam Định thi hành. Có lẽ người hồi hộp chờ đợi bán án gửi trở lại nhất lại là quan tổng đốc Nguyễn Đình Hưng. Mở đọc án lệnh của vua, quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng buồn rầu. Quan lặng lẽ không nói một lời nào, còn cha Phaolô Lê Bảo Tịnh thì lại vui mừng, chuẩn bị lãnh ơn tử đạo một cách rất sốt sắng. Ngài thương nhớ các chủng sinh thân yêu ở chủng viện Vĩnh Trị nên 12 ngày trước khi chết, Ngài đã viết cho các chủng sinh một bức tâm thư chứa chan những tư tưởng đạo đức, vô cùng cảm động. Ngài cũng viết cho quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng một lá thư ngắn gọn với những lời lẽ sau:

- “Tôi xin chân thành cám ơn quan Tổng đốc, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý. Tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể làm lay chuyển lòng tin của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến, và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết thì cũng chẳng bỏ được.”

Ngày 6 tháng 4 năm 1857, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã hiên ngang tiến ra pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam Định để anh dũng lãnh nhận cái chết của vị anh hùng tử đạo trong lời vĩnh biệt trao gửi lại cho mọi người ngài quí yêu:

- “Anh em ở lại bình an, kiên trung giữ đạo và can đảm bền vững trong Đức Tin, đừng sợ chết nhé”.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã long trọng tôn phong ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
    Copyright © 2018 Tình Yêu Giêsu
    Trang Web Được Thiết Kế Bởi Vương Thành Hiệp