Ngày 07/4: Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu - Linh mục (1812-1861)
Đăng Bởi : ADMin (Sáng Lập) *
Đăng Lúc : Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019
Ngày 07/4: Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu - Linh mục (1812-1861)
Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh tại Gò Vấp, tỉnh Gia Định trong một gia đình Công giáo tốt lành. Được tiếp nhận một nền giáo dục vững vàng trong đức tin và một đời sống đạo đức, ngay từ nhỏ cậu đã nhiều lần ngỏ ý ước ao được dâng mình cho Chúa, theo đuổi lý tưởng linh mục.

Tới tuổi trưởng thành cậu được phép cha mẹ dâng mình cho Chúa, vào chủng viện và được Bề trên gửi đi du học tại Pénăng Mã Lai. Tại Pénăng thầy sống một đời sống gương mẫu về lòng đạo đức cũng như chăm chỉ học tập . Cha Thuyết là bạn đồng môn với thầy tại Pénăng nói về thầy rằng tôi thấy thầy Lưu rất chăn học, lại giữ luật lệ rất nghiêm ngặt, sốt sắng đọc kinh và sốt sắng lãnh nhận các bí tích một cách rất đều đặn. Tính tình rất nghiêm thẳng, thích giúp đỡ bạn hữu, không bao giờ ca thán hay làm mất lòng ai. Khi đã học xong chương trình triết và thần học, năm 1844, thầy được Bề trên gọi về cho lãnh các chức nhỏ tại Lái Thiêu và lãnh công tác đi dạy giáo lý cho các tân tòng. Sau đó thầy lãnh chức Phó Tế rồi đi giúp cha Thuyết là bạn học nhưng được chịu chức linh mục trước tại họ Đầu Nước. Cha Thuyết nói rằng trong thời gian giúp ngài tại họ Đầu Nước, thầy Phó tế Nguyễn Văn Lựu luôn là mẫu gương đạo đức cho mọi người, không ai chê thầy điều gì cả .

Sau đó, thầy Phêrô Nguyễn Văn Lựu lãnh chức linh mục rồi được bổ nhiệm phụ trách mục vụ các xứ đạo như Mặc Bắc Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho v.v. Ở đâu cha cũng chu toàn bổn phận một cách hoàn hảo, chu đáo, đáng khen. Cha chú trọng vào công việc giảng dạy giáo lý, đi thăm các gia đình, lui tới thăm viếng và an ủi những người đau ốm hay cao niên trong xứ đạo. Có lần cha dám liều vào nhà tù thăm viếng và khích lệ những tín hữu bị bắt vì theo đạo. Cha khuyên nhủ họ rằng “bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều phải chết, vì thế anh em hãy can đảm theo chân Chúa Giêsu. Được chết vì Chúa, vì đạo là điều hạnh phúc nhất:. Anh em hãy cầu nguyện và tin vào lòng xót thương của Chúa. Chúa sẽ ban thêm sức mạnh để chúng ta thắng vượt mọi khốn khó”. Nhờ lòng nhiệt thành và can đảm như vậy mà giáo dân ai cũng thân quen, gần gũi cha, thương mến và coi cha như người cha trong gia đình.

Năm 1853 đã có lần cha thoát chết một cách rất hi hữu. Lúc đó cha đang là cha sở xứ Mặc Bắc, vừa được lệnh thuyên chuyển đi xứ khác thì quan Trấn phủ Vĩnh Long được mật báo, đem quân đến vây bắt cha. Không bắt được cha, họ bắt cha Philipphê Phan Văn Minh và ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu để thế mạng.

Đến năm 1860, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu đang coi sóc xứ Ba Giòng thì quan Trấn phủ ra lệnh bắt tất cả những người theo đạo ở Xoài Mút và Ba Giòng gần Mỹ Tho đưa về giam chung ở tỉnh. Trong hoàn cảnh đau thương này, cha đã bỏ tiền đút lót với lính canh và khôn khéo thưa trình với thượng cấp. Cha thường cải trang, lén lút vào thăm viếng an ủi những con chiên bị bắt bớ vì đạo Chúa. Khi thì cha tới khuyên bảo họ giữ vững Đức Tin, khi thì đưa Mình Thánh Chúa cho họ rước lễ. Một hôm vì sơ ý nên quan Thanh Tra trại giam nghi cha là linh mục nên ra lệnh bắt cha. Trước mặt các quan, cha khôn ngoan trả lời để không ai vì cha mà phải phiền lụy. Quan hỏi ngài:

- “Ông theo đạo Công giáo phải không?

Cha thẳng thắn trả lời:

- “Phải, tôi theo đạo Công giáo”

- “Ông có phải là đạo trưởng không?

- “Phải, chính tôi là đạo trưởng.

- “Ông đã ở đâu và trong những làng xóm nào?

- “Tôi không có nơi nào nhất định, đi đây đó, nơi nào có người Công giáo thì tôi lui tới thăm viếng họ.

- “Cha mẹ, anh em ông ở đâu?

- “Cha mẹ anh em tôi chết cả rồi. Tôi chỉ có một mình.

- “Ông có đi du học tây phương không?

- “Tôi không đi du học tây phương nhưng du học tại đảo Pénăng, Mã Lai,

- “Ai đã phong chức đạo trưởng cho ông?

- “Đức cha Dominique

- “Bây giờ ông ấy ở đâu?

-“Ngài theo lệnh vua trở về tây phương rồi.

Sau cuộc phỏng vấn, các quan khuyên cha bỏ đạo. Cha dõng dạc trả lời:

- “Thưa các quan, đạo đã ăn sâu vào tận xương tủy tôi rồi, làm sao tôi có thể chối đạo được? Người giáo dân hay thầy giảng còn không dám bỏ đạo, làm sao một đạo trưởng như tôi lại dám bỏ đạo"

Sau đó các quan nói về vụ liên quân Pháp và Tây Ban Nha đến tấn công tại Đà Nẵng và yêu cầu cha Lựu đi gặp họ để xin họ rút quân. Cha Lựu trả lời cha không liện hệ gì tới chiến tranh, lại không có quyền gì để nói chuyện với những người ngoại quốc này. Nghe cha nói, các quan lại trở lại việc khuyên dụ cha bỏ đạo. Các quan dọa nạt cha:

- “Theo luật pháp nhà nước, tội ông rất nặng, hãy bước qua Thánh Giá và bỏ đạo, hoàng đế sẽ gia ơn giảm án và trọng thưởng, bằng không thì tội ông phải chết.

Một lần nữa với giọng cương quyết cha nói:

- “Tôi giữ đạo từ bé, đạo không dạy điều gì trái với luật lệ quốc gia, còn điều các quan khuyên tôi thì lại trái ngược với lẽ phải, tôi không thể nghe theo các quan được”.

Thấy không thuyết phục được cha, các quan cho lệnh giam giữ trong tù, cổ đeo gông, tay chân mang xiềng xích nặng nề. Nhưng cha luôn tỏ ra vui vẻ, tươi cười và mau mắn khích lệ những tín hữu cùng bị giam. Cha luôn sốt sắng cầu nguyện và mỗi khi cầu nguyện thì cha quì trên nền nhà tù ẩm ướt, còn thời giờ thì cha đan giỏ bán lấy tiền giúp các bạn tù. Lâu lâu cha lại bị kêu ra đánh đòn, tra khảo, dọạ nạt cùng với những con chiên của cha. Dù bị đánh đập tàn nhẫn, bị hành hạ, xiềng xích, gông cùm, đói khát, khổ nhục, cha vẫn một lòng cương quyết không bước qua Thánh Giá, không bỏ đạo và luôn xưng mình là linh mục. Quan khuyên và ép buộc Ngài bước qua Thánh Giá,

Ngài lại dõng dạc trả lời như mấy lần trước:

-“Đạo đã thấm nhập trong xương trong tủy tôi, làm sao tôi bỏ được. Vả lại, một người tín hữu bình thường, một thầy giảng còn không bỏ đạo, huống nữa tôi đây là một đạo trưởng, một linh mục”.

Sau một thời gian giam giữ với hy vọng cha sẽ bị lung lạc ý chí mà bước qua Thánh Giá mà bỏ đạo các quan đều thất vọng vì không thể khuyên dụ được. Quan đầu tỉnh Mỹ Tho bực tức liền tuyên án tử hình bằng cách chém đầu.

Nhận được tin sẽ bị chém đầu vì không bỏ đạo, cha vui mừng cảm tạ Chúa đã ban cho cha được đổ máu làm chứng cho đạo thánh Chúa. Cha dọn mình sốt sắng và khuyên bảo những người cùng bị tù đày hãy luôn vững tin và cậy trông nơi Chúa.

Để thi hành án lệnh sáng sớm lúc 8 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1861 quan trấn phủ sai một tên lính tới nhà tù tuyên đọc bản án rồi tháo gông, xiềng xích và áp giải cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu ra công đường. Tại đó, quan giám sát tên là Thôn Phan Chan cùng với đoàn quân hùng hậu gồm 50 binh lính gươm giáo xếp thành hàng hai tiến ra pháp trường Pháp trường ở ngoài thành, ngay trên con lộ từ Mỹ Tho đi Sài gòn.

Trước khi bị hành quyết, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu quì cầu nguyện chừng 10 phút. Đội lý hình chuẩn bị sẵn sàng, đợi ba hồi chiếng trống nổi lên, dứt tiếng chiêng trống cuối cùng thì tên đao phủ lành nghề vung gươm lên cao chém một nhát đứt đầu, rồi mọi người hoảng hốt bỏ chạy vì sợ hồn người chết nhập vào. Sau một lúc thì chỉ còn lại một tên lính gác xác, từ xa xa một nhóm giáo dân chừng mươi người xông vào thấm máu và xin nhận xác. Thi hài vị chứng nhân Đức Tin được các tín hữu thu lại đem về an táng chung với gông cùm và một chiếc bình đất vấy đầy máu cha. Sau này giáo dân Mỹ Tho đã cải táng đưa về đặt tại bàn thờ chính thánh đường Mỹ Tho. Tới năm 1960 lại một lần nữa hài cốt của Ngài lại được rước về nhà thờ chính toà Sài gòn.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu lên bậc Chân Phước ngày 2.5.1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên hãng ngũ các Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 8 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
    Copyright © 2018 Tình Yêu Giêsu
    Trang Web Được Thiết Kế Bởi Vương Thành Hiệp